www.trunghochoangdieubaxuyen.net - Thân Chúc Quý Thầy Cô và Đồng Môn Hoàng Diệu một năm mới luôn được Dồi Dào Sức Khỏe và Tràn Đầy Hạnh Phúc - www.trunghochoangdieubaxuyen.net






Dương Lịch – Âm Lịch Click on the date for details

Thơ Viết Dưới Bàn

Lâm Hảo Khôi

     Cuối tháng ba, gần hết mùa thu, mùa thu ở Úc không giống như mùa thu ở các nước Âu Mỹ, với thời tiết dễ chịu và những con đường ngập lá vàng trên các lối đi thơ mộng ở các công viên.
     Riêng Sydney thì vẫn là những ngày nóng và có hôm nóng đến độ có thể nghe tiếng máy tôn nhà ông bạn già tôi trở mình bực bội. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn những ngày hè tháng mười một mười hai. Tháng của jacaranda nở tím cả sân vườn người hàng xóm. Có người bạn thời mới qua định cư được gia đình người Úc bảo trợ về vùng Casino một thị trấn nhỏ dân thưa thớt cách rất xa thành phố Sydney. Anh nói là đi đâu cũng thấy màu tím, có những con đường họ trồng toàn jacaranda, mùa hè nở tím hết, chắc là tím hơn cả những đồi hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Tôi nghe bà con ở đây họ gọi jacaranda là phượng tím. Ông bạn già của tôi thì nhứt định là không ưa cái màu tím này. Ông bảo cái màu tím này nó thê lương và u ám quá. Tôi hỏi ông vậy chớ hoa phượng của ông Thanh Sơn thì sao? Ông cười.
     Tôi chào ông bạn già ra về sau khi đã xong tách café và bình trà xanh của Nhựt, ông này không ưa trà Tàu vì sợ “hóa chất ô nhiễm”. Ông là ông bạn già thường chia sẻ với tôi những ưu tư về thời thế, những chuyện thời sự đông tây kim cổ cho tới những cuộc đàn áp thô bạo ở Việt Nam, ở Miến Điện, Trung quốc. Những hy vọng rồi tuyệt vọng về một nền dân chủ nào đó sắp hình thành. Dĩ nhiên là ông cũng chia sẻ với tôi nhiều show nhạc rất hay mà tôi nhận được qua email. Trên đường về nhà tôi chợt nghĩ sao ở cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi mà ông vẫn còn khoái nghe “Nỗi buồn hoa phượng”. Tôi chợt nhớ những người bạn cũ năm nào. Những hình ảnh bạn bè cứ lan man trong đầu. Nhiều đêm nó cứ như cái màn ảnh truyền hình nằm chắn ngang không cho tôi đi vào giấc ngủ. Ai mà không cần giấc ngủ chớ! Chợt nhớ ông bà mình hay nói, người già hay nhớ chuyện cũ. Già thật rồi sao? Tôi nhìn tấm hình mình trên vách hình chụp kỳ thi tú tài. Hơn bốn mươi năm rồi.
     Hưởng thời trung học không thân với tôi nhiều. Nhưng chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm thời đi dạy học ở Kế Sách và nhứt là sau ngày mất nước. Những ngày mà gặp nhau anh em cứ thở ra bởi chỉ thấy tương lai mịt mờ. Có những ngày lênh đênh trên sông Hậu giang từ cù lao Dung về Cần thơ giữa sóng nước mênh mông và thanh tịnh đó chúng tôi cố hít thở cho đầy lồng ngực cái không khí tự do không bị ô nhiễm bởi những khẩu hiệu ngu ngơ những lô nhô bảng đỏ sao vàng. Giữa trời nước mênh mông đó chúng tôi ngồi nhắc chuyện xưa. Quê Hưởng ở cù lao Dung, ba má gởi anh lên Sóc Trăng ở trọ nhà người thân để đi học. Ngày đó Hưởng là cậu học trò nhút nhát ngồi tuốt ở bàn sau chót. Ít nói ít cười nhưng rất tốt với bạn bè và lễ độ với thầy cô trong lớp. Lớp mười trai, gái học chung. Lớp mười là thời vàng son ở trung học vì không phải thi cử gì nên cứ học tà tà dưỡng sức cho kỳ thi tú tài một năm sau. Và anh để ý một cô bạn cùng lớp. Anh kể. Mỗi sáng anh tới lớp rất sớm tới chỗ cô ấy để đọc thư. Tôi hỏi sao không mang về nhà đọc. Anh cười, thơ viết dưới bàn chỗ học sinh để tập vở. Đọc xong thơ anh bôi bỏ liền. Tan học anh là người về sau cùng vì còn phải viết thơ trả lời cho người ta. Chuyện tình viết thơ bằng phấn kéo dài cũng khá lâu. Nếu tính mỗi lần viết là một lá thơ thì anh có hơn trăm lá thơ tình. Có lần anh được thơ: “ngưng viết một lúc đi vì con bạn nó để.”. Anh trả lời ”thơ sau viết chỗ anh ngồi”. Thi xong lớp đệ nhị thì chia tay. Lần cuối cùng gặp nhau ở nhà cô ấy. Tấm hình cô tặng anh còn giữ hoài trong bóp cho tới một hôm bà xã nhìn thấy khi soạn áo quần để giặt. Một cuộc chiến tranh lạnh xẩy ra và hậu quả còn kéo dài nhiều năm sau đó mới hết.
     Bây giờ muốn gặp nhau chúng tôi phải bay gần 1000 cây số đoạn đường Sydney Brisbane. Trước 75 chúng tôi dạy học cùng quận Kế Sách. Trường của Hưởng ở xã Thới An Hội, lâu lâu có dịp anh ra Sóc Trăng bằng Honda thường ghé tôi chơi ở chợ quận. Có buổi sáng ngồi cà phê trong nhà lồng, cả hai cùng bị thu hút bởi một người đàn bà ngồi trong chợ. Tay bà làm động tác như một người đang xé giấy, xé xong một lúc bà lại ra điệu bộ như ném bỏ một vật gì đó. Hôm sau vô lớp tôi hỏi mấy em học trò. Chúng nó cười. A, bà xé thơ tình, người ta đặt bà đó là bà xé thơ tình đó thầy. Tôi hỏi sao mấy em biết. Một em ngồi đầu bàn nhanh miệng kể. Nguời ta nói hồi đó bả có chồng đi làm xa. Chồng bả có bồ, bỏ lá thơ trong túi, về thăm nhà bị bả bắt gặp bả xé thơ bỏ rồi điên luôn tới giờ. Tội nghiệp bả quá thầy…
     Tôi nhắc chuyện này cho Hưởng nghe, nói coi chừng.
Hưởng cười chuyện cũ mấy chục năm rồi còn gì. Bây giờ muốn có người nhắc lại chắc cũng ít ai còn nhớ. Tháng mười, mười một hàng năm tôi thường lên Brisbane thăm bạn luôn thể để nhìn hoa Phượng của ông Thanh Sơn. Hoa Phượng ở đây trồng dọc hai bên đường như hoa đào ở California hoặc ở Vancouver của Canada. Hoa Phượng có cái vẻ gì hơi nhà quê, nó thường mọc ở xứ nóng nghèo các nước Á và Phi châu. Nhưng đi dưới cái bóng rợp mát của hoa Phượng những ngày hè ở Brisbane thì không thấy quê mùa chút nào mà càng làm thành phố Brisbane gần gũi với những con đường những phố xá Việt nam ngày xưa hơn. Chắc cũng phải để lắng nghe tiếng ve sầu nữa chớ cho đủ bộ ba: hoa phượng-ve sầu và lưu bút….

Lâm Hảo Khôi



Về lại mục lục của trang VĂN




Copyright © 2011 - Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học HOÀNG DIỆU Ba Xuyên - Bắc California - All rights reserved